Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Nước mắm Phú Quốc - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được EU bảo hộ từng suýt mất thương hiệu!

Sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ trên thị trường của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) không gì khác chính là nước mắm Phú Quốc lừng danh. Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU. Tuy nhiên, con đường thành công của nước mắm Phú Quốc không chỉ trải toàn hoa hồng mà mỗi bước đi đều gập ghềnh và đến giờ vẫn chưa hề suôn sẻ.

 



Gặp sóng gió do bị “nẫng tay trên”

Từ năm 1982, nước mắm Phú Quốc nổi tiếng của Việt Nam đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa. Đó là Công ty Viet Huong Fishsauce, Hoa Kỳ, được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc độc quyền tại Mỹ, rồi lần lượt tại Cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc và Australia. Hình ảnh thương hiệu mà Công ty Việt Hương đăng ký bảo hộ chính xác là có chữ “Phú quốc” kèm logo là hình con cá cơm và bản đồ Việt Nam (có vẽ dấu hiệu chỉ đến vị trí huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang). 

Cụ thể, trên các sản phẩm nước mắm của Công ty này từ năm 1982 tại Mỹ sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” có hình bản đồ Việt Nam và đảo Phú Quốc. Sau đó, Công ty đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở cộng đồng chung Châu Âu và Australia. Đến năm 2006, Công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên.

Nhà thùng nước mắm Phú Quốc  

Ngày 11/5/2011, một doanh nghiệp tại Hồng Kông là Công ty TNHH thương mại Việt Hương đã chính thức nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú quốc” cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc.

Các thông tin này đều đã được đối tác của Bross và Cộng sự là một công ty luật tại Trung Quốc kiểm tra, xác tín theo yêu cầu. Việc chủ thể nói trên đăng ký nhãn hiệu “Phú quốc và hình ảnh” dưới tên của mình cũng sẽ gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho công chúng về nguồn gốc Phú Quốc gắn liền với sản phẩm nước mắm nổi tiếng đang được Việt Nam bảo hộ.

Phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe

Ngày 8/10/2012, nước mắm Phú Quốc đã được Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc EU. Cùng với đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành các chính sách nhằm quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc để truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc.

Theo quy định, logo nước mắm chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” có ba màu chủ đạo gồm đỏ đậm, xanh biển và vàng nhạt. Nhãn của nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc gồm có logo chung “Phú Quốc”, cùng dòng chữ nước mắm Phú Quốc truyền thống 100 năm, tiếp đến là tên doanh nghiệp, kích thước không quá 2/3 chữ “Phú Quốc” và logo chỉ dẫn địa lý của EU.

Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên tự hào bổ sung: Không chỉ là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại EU, nước mắm Phú Quốc còn là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU. Bà Hồ Kim Liên chia sẻ, phải mất 6 năm trời, nước mắm Phú Quốc mới được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

Việt Nam nhận bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc này không phải ở Việt Nam mà ở Bỉ. Sau đó, Bộ CôngThương mới về nước trao cho Hội Nước mắm. Tầm quan trọng của một chai nước mắm chỉ dẫn địa lý là vậy.

Theo đó, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mới được phân phối vào thị trường EU với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”. “Doanh nghiệp không phải cứ sản xuất, ủ chượp, đóng chai, dán nhãn ở Phú Quốc thì nghiễm nhiên trở thành nước mắm chỉ dẫn địa lý mà cần theo quy trình, tiêu chuẩn từ nguyên liệu đến cách ủ mắm” – bà Liên nhấn mạnh.

Một trong những tiêu chuẩn đó là 100 cá làm mắm thì 85% phải là cá cơm đánh bắt ở vùng Kiên Giang, Cà Mau, vịnh Thái Lan, phải ướp muối ngay trên tàu khi vừa đánh bắt theo tỷ lệ 1 kg muối cho 3 kg cá. Ngoài điều kiện này, các nhà thùng ở Phú Quốc buộc phải tuân thủ thêm những yêu cầu như muối phải được bảo ôn ít nhất là 60 ngày mới được dùng; loại gỗ làm thùng phải được làm từ gỗ đặc trưng của Phú Quốc như bời lời, dên dên, mỗi thùng có 52 miếng gỗ và dùng nhựa cây gỗ dầu mít trét kín các đường nối. Thời gian ủ chượp 12 – 18 tháng hoàn toàn tự nhiên, không cho bất cứ chất gì vào... 

Nói chung, quy trình sản xuất phải theo chuỗi và được truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tất cả yêu cầu nhằm “bảo tồn” hương, vị, màu của nước mắm Phú Quốc đã được truyền lại gần 200 năm nay.

Thống kê năm 2018 cho thấy, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sản lượng khoảng 30 triệu lít/năm, nhưng nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý chỉ chiếm khoảng 50%. Nhưng số 50% này cũng chưa thực sự đóng chai hết để đưa đến người tiêu dùng, lý do là giá thành cao hơn những loại nước mắm khác trên thị trường. Khách hàng cũng chưa biết loại nước mắm nào là có chỉ dẫn địa lý, có sự so sánh giá. Do vậy, những người làm nước mắm Phú Quốc cũng rất khó khăn, rất trăn trở khi đưa mặt hàng này ra thị trường.

Theo lãnh đạo Hội Nước mắm Phú Quốc, địa phương này có khoảng 50-60 nhà thùng được quyền dán nhãn chỉ dẫn địa lý nhưng hầu như không nhiều nhà thùng dám dán. Bởi vì khi đã dán nhãn này là sẽ bị kiểm soát, kiểm tra từng thùng ủ mắm, kiểm tra từng công đoạn vô cùng khắt khe.

Bát nháo nước mắm Phú Quốc chỉ dẫn địa lý

Trước danh tiếng và chất lượng sản phẩm yêu cầu cao như vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng thương hiệu Phú Quốc qua việc lập lờ chỉ dẫn địa lý, mạo nhận nước mắm Phú Quốc. Điều đó không chỉ làm doanh nghiệp sản xuất nước mắm uy tín điêu đứng, mà còn gây ngộ nhận, mất niềm tin ở người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Giám đốc DNTN khai thác và chế biến hải sản Thanh Quốc, khoảng 80% nhà thùng sản xuất là người tại Phú Quốc có ba, bốn đời làm nước mắm. Nhưng hiện nay có sự lạm dụng chữ Phú Quốc để gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.

“Người dân Phú Quốc tâm huyết đều muốn bảo vệ nước mắm Phú Quốc. Những quy định nào Hội, Nhà nước cho phép mới dám làm. Dù chúng tôi sản xuất nước mắm tại Phú Quốc nhưng chưa chắc được ghi trên nhãn hai chữ Phú Quốc. Lý do là không làm đúng quy trình, không làm đúng tiêu chuẩn bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bản thân doanh nghiệp tôi có hai dòng sản phẩm là chỉ dẫn địa lý thì sử dụng chữ Phú Quốc và nước mắm truyền thống. Tôi sợ người tiêu dùng ngộ nhận nước mắm của mình có chỉ dẫn địa lý nên tôi ra thêm dòng nước mắm Quốc Đảo - bà Tịnh tâm sự.

Nói về khó khăn của nước mắm Phú Quốc, bà Hồ Kim Liên trăn trở, trong Hội có 57 hội viên làm nước mắm truyền thống, hiện nay đã có sự mai một. Việc đóng chai theo đúng thương hiệu mình thì chỉ có 15%-20% doanh nghiệp, còn đa số bán nguyên liệu thô cho các đơn vị khác. Bên cạnh đó, người làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc phần lớn là hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa quảng bá tốt để người tiêu dùng biết được dù được châu Âu bảo hộ.

“Phú Quốc là đảo du lịch, nếu không bảo vệ nghề, chúng tôi chuyển sang ngành khác sống thoải mái hơn. Nhưng không ai muốn mất đi những gì cha ông để lại, những gì được châu Âu bảo hộ” - bà Liên nhấn mạnh.

Cũng vướng rắc rối tương tự là nước mắm Phan Thiết. Vào tháng 10/2011, một giáo viên Mỹ gốc Việt cho biết, công ty Kim Seng, trụ sở tại 1561 Chapin road, MonTebello, California 90640 và tại 6121 Randolph street, City of commerce, California 90040 (Mỹ) kinh doanh đa sản phẩm cũng đã đăng ký thương hiệu “Nước mắm nhỉ thượng hạng Phan Thiết” tại Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ, từ ngày 1/6/1999.

Vào năm 2009, nhãn hiệu này được gia hạn và có hiệu lực trên toàn nước Mỹ. Điều đáng nói thương hiệu nước mắm Phan Thiết được Kim Seng đăng ký trước khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét